Wednesday, September 25, 2013

Muốn nhớ hay quên?

Hôm rồi đi cafe nghe nhỏ bạn bảo hết dùng yahoo chat rồi, tự nhiên thấy như hẫng một bước chân...

Nhớ những ngày u ám của nhỏ, tôi cứ chốc chốc lại canh yahoo xem nhỏ có tìm không, có nói gì không. Ban đầu là những câu chuyện dài lặp đi lặp lại hình ảnh anh chàng không tốt xem nhẹ chuyện tình cảm; dần dà thành những lời u uẩn kéo nỗi buồn dài dằng dặc. Khi chừng như đã đủ cho tấc lòng vơi đi một chút, cuộc nói chuyện là những câu không đầu đuôi, bất chợt nhặt bên cạnh, kể qua kể lại, cốt giữ sẻ chia. 

Tôi sợ nhỏ buồn. Tôi sợ nhỏ bạn hay bảo chỉ tôi mới hiểu nhỏ nghĩ gì ấy không tìm được chỗ dựa, để gục đầu trút hết oan ức trong lòng qua những dòng nước mắt. Tôi sợ nhỏ lạc mất những yêu thương chân thật trong lòng. Tôi cố gắng ở bên cạnh nhỏ, hay ít nhất để nhỏ thấy rằng luôn có tôi khi nhỏ cần. Không khéo an ủi, tôi lặng im nghe hết tiếng lòng u buồn kia đang thổn thức; kiếm chuyện đằng này đằng kia, gom nhặt để dành sẽ kể cho nhỏ nguôi ngoai một chút...

Thời gian, giống y như người ta hay nói, khiến vết thương dần lành. Nhỏ gần như đổi hẳn tính cách (hay là do tôi vốn không nhận ra tính cách khác của nhỏ...), không còn nhẹ nhàng hay cảm thông, chỉ thấy nhỏ đùa giỡn nhiều, không còn tế nhị, thích sao phán vậy, chẳng còn là ngày xưa...

Tôi ngồi giữa bạn bè và nhỏ, giữa ồn ã chuyện trò, chừng như ai cũng sợ mất phần mình, hối hả tranh nhau nói, tôi ngồi nghe. Nhỏ trách sao bảo đi chơi mà im vậy, sao không góp chuyện, không gì để kể à... Thật ra cũng có... mà không tìm được cơ hội để kể... Tôi chậm chạp, chỉ có thể nói giữa lặng thinh, cái không gian ồn ã đó, chỉ thích hợp để tôi im lặng mà thôi...

Nghe nhỏ bảo đã bỏ chat bên kia rồi, lâu lắm không vào, tôi chợt nghĩ không biết phải nhỏ muốn quên không...

Rồi chợt nghĩ, ủa, rồi có muốn bỏ quên mình trong mớ hỗn độn quá khứ tối màu đó không...?




Sunday, August 18, 2013

"Mây có chở tình qua chốn ấy..."

 


Thành phố Hồ Chí Minh, ngày... tháng... năm...
 
Đã lâu rồi tôi không còn được nhận hay viết thêm dòng thư nào. Có cảm giác tôi sẽ không bao giờ được chia sẻ bằng những dòng chứa chan như vậy nữa... Tôi hay quan niệm rằng có những thứ mình cho là đẹp đẽ và yêu thích thì chỉ nên đứng từ xa chiêm ngưỡng, tốt nhất đừng lại quá gần. Vì nếu không phải do nhìn thấy bản chất của sự việc khiến niềm yêu thích ấy không còn vẹn nguyên như trước thì cũng do phát hiện ra yêu thích của mình đều là ngộ nhận mà sụp đổ. Sau vài chuyện xảy ra, tôi lại càng mang suy nghĩ của mình đi theo hướng này...
 
Người bạn tôi yêu quý, luôn chia sẻ những điều hầu như không thể chia sẻ với bất cứ ai sau nhiều lần tiếp xúc không-bằng-thư lại khiến tôi tự ngăn mình chia sẻ thêm bất cứ điều gì, dù là chuyện hàng ngày đối với ai cũng kể được...
 
Cảm giác như chợt phát hiện ra mình chưa từng sở hữu điều quý giá như tình bạn thân thiết mà trước giờ vẫn đinh ninh mình luôn có. Do vậy mà vị trí trang trọng đó trong lòng cũng trở nên trống rỗng, chỉ còn lại sự mất cân bằng tuyệt đối....
 
Một người bạn của tôi sau khi chia sẻ với bạn trai mình mật mã của trang cá nhân thì bỗng dưng không lâu sau anh bạn đề nghị chia tay. Cô nàng không hiểu chuyện gì đang xảy ra, vẫn giữ nguyên mật mã cũ và chờ đợi, hòng mong anh ta quay về. Nhưng đau khổ giày vò khiến cô nàng luôn tìm kiếm người chia sẻ qua những đoạn trò chuyện trên trang ca nhân ấy, có tích cực, có tiêu cực... về người yêu của mình. Anh chàng vẫn dùng mật mã cũ để vào xem và nổi giận, không tiếc lời trách cứ. Chuyện này làm tôi nhớ lại những ý nghĩ đã qua của mình...
 
Rằng cuộc sống này có những góc khuất bạn không được và không thể nhìn thấy. Ngay cả một vài chuyện bản thân bạn cho rằng lẽ ra mình phải được biết nhưng tạo hóa đã sắp xếp bạn ở vị trí không thế nào nhìn được. Đôi khi đó là do sai lầm của người khác khi họ muốn che giấu bạn sự thật, thì họ sẽ nhận được bài học riêng. Nhưng ngay khi bạn, với lương tâm trong lành nhất của mình, cảm thấy việc cố gắng tìm tòi những điều đằng sau góc khuất ấy là không hợp với đạo lý thông thường, hoặc cảm thấy có chút không đúng, thì tốt nhất nên dừng lại. Vì có thể sự thật đó chính là sự trừng phạt mà cuộc sống dành cho bạn khi cố gắng vượt quá giới hạn dành cho mình.
 
Khi cố gắng mở chiếc hộp Pandora nghĩa là chấp nhận bị trừng phạt!
  

 
Lảm nhảm một hồi phát hiện mình nhiều chuyện thật...
 

   Mà thôi kệ, trút cho vơi vậy... ^_^



Saturday, May 25, 2013

"Có nỗi buồn ngủ gục dưới cơn mưa..." (*)





Sau cơn mưa rào mùa hạ, có mấy nỗi buồn được rửa trôi?... 

Tôi bắt đầu nếm trải sự đổi thay, ở xung quanh mình, bước gần đến mình, và đến ngay cả mình. Hiểu, là đến lúc, thì gì cũng đổi khác; mà, còn tùy, là theo chiều hướng nào, rồi mình có chịu được hay chấp nhận không...

Gặp người bạn đã lâu không liên lạc, tôi không còn nhận ra hình ảnh trong lòng mình. Bạn của tôi đã rời xa con người lặng lẽ đó từ bao giờ, đến nỗi tôi gặp lại mà như làm quen một người bạn mới. Ừ, thì có vui... mà sao thấy mình như vẫn mải miết đi tìm lại điều gì của bạn ngày cũ...

Người bạn bên cạnh tôi mỗi ngày, gặp biến cố, cũng đổi thay. Đối phó với biến cố, mỗi người có thái độ riêng, bạn tôi chọn lạnh lùng và cứng rắn. Tôi không thể giữ ở bạn con người đơn thuần ngày xưa, không nhận được tâm hồn đáng yêu theo cách nhìn của mình. Tôi chấp nhận bạn ở hiện tại, ở những ngày u buồn, cay đắng, và cả sau này, dù bạn trở nên ra sao... 

Từng chút một, tôi bắt gặp bản thân mình cũng đổi thay. Ngày trước có người bạn bảo rằng trong tôi có hai phần tính cách - một luôn vui vẻ, hoạt bát; một lại im lặng, thâm trầm - tôi ngớ người, hình như là vậy! Bây giờ dường như càng ngày cả hai càng đi theo hai hướng rời xa nhau. Tôi bắt gặp mình ngày càng hoạt náo, nói nhiều hơn, đùa nhiều hơn... theo cái cách tôi chưa từng mong muốn; hướng ngược lại, tôi như ngày càng im lặng, tự nghiền ngẫm những ý nghĩ, nỗi niềm... quen dần đến nỗi, tôi quên mất chia sẻ bằng lời là thế nào. 

Tôi im lặng để nghe bạn kể, nghe cả những điều bạn không kể, và sẻ chia để bạn tôi trở lại trạng thái ổn, luôn vui vẻ mà tôi mong muốn. Còn nỗi niềm của mình, tôi không biết phải làm sao. Cảm giác như tôi đã chìm xuống mức im lặng thấp nhất, đến nỗi không ai đủ lặng để lắng nghe...

Khi bạn im lặng, có thể bạn sẽ nghe được những dao động dù là rất nhỏ. Và có lúc nào bạn chợt nhận ra những điều người khác chẳng bao giờ nói bằng lời, thì bạn đã quá lặng rồi. Hãy tập dùng lời nói, thể hiện nỗi niềm của mình, bạn sẽ nhận ra điều này cũng diệu kì không kém những ngôn ngữ không lời, rồi bạn sẽ giữ được mình im lặng vừa đủ, để không thấy mình lạc lõng ngay cả với những người thân thương.

Dù sao, tôi cũng biết, ít nhất có những điều tôi có thể viết ra... 

Còn u buồn, mang theo chán tôi lại thả trôi sông... 


Có lúc nào đem nỗi buồn chia sẻ với người khác, rồi bạn cũng muốn lãng quên họ như quên đi nỗi buồn của mình?







(*) lời dịch bài hát  Teru No Uta - Aoi Teshima

Monday, April 8, 2013

Em không xinh đẹp

Hôm nọ đọc trên mạng có câu đại loại rằng: hãy yêu quý người con gái khi đi với bạn mà không cần trang điểm hay trau chuốt nhiều, vì đối với bạn, họ là con người thật của mình...

Sau khi đọc xong thì câu này cứ theo mình hoài... 
 
Vì mình lại có suy nghĩ, đối với người mà cô gái yêu thương, cô ấy sẽ muốn mình luôn xinh đẹp trong mắt họ, nghĩa là mỗi lần gặp sẽ rất cố gắng chăm sóc bản thân. Cố gắng như vậy, không phải cô nàng trở thành giả tạo đối với người khác, chỉ là họ mong người mình yêu thương trông thấy họ ở trạng thái tốt nhất mà thôi. 
 
Vả lại, người con gái tuy luôn muốn mình trở nên xinh đẹp, nhưng việc trau chuốt bề ngoài đôi khi cũng tùy vào tâm trạng. Sẽ có những ngày bạn bắt gặp cô gái bên cạnh mình chợt trở nên ủ rũ, không son phấn, không tết tóc cầu kì, không buồn đắn đo áo này quần nọ, chỉ jean - pull bụi bặm, khác hẳn cô gái mà bạn biết. Có lẽ những lúc ấy, cô nàng mệt mỏi, không muốn suốt ngày cắm cúi làm đẹp; hay có thể cô nàng chán ghét bạn rồi, không muốn trước bạn phải cầu kì "tỉa tót", vì dù sao đó cũng là một dạng áp lực chăng?! Dù lý do gì, cuối cùng cô nàng vẫn là mộc mạc nhất trước bạn, và tất nhiên có thể sẽ gây cho bạn cảm giác chưa từng trải qua. 
 
Nếu bạn không quan tâm lắm vẻ bề ngoài, hoặc bạn yêu quý một cô gái vì nhiều phẩm chất tinh thần khác, cô nàng xinh xắn hay kém tươi một chút không gây vấn đề cho mối quan hệ tốt đẹp của bạn, bạn chỉ cảm thấy một chút khác lạ thú vị. Suy cho cùng, khi đứng trước bạn, một người có vẻ bề ngoài được chăm chút cẩn thận hay chỉ vừa đủ gọn gàng thì không mang đến được kết luận rằng họ thật lòng hay giả tạo, rằng họ muốn hay không muốn bạn nhìn nhận con người thật của mình. Những điều này bạn cần thời gian để nhận ra, không phải vẻ bề ngoài. 


 
Nếu một ngày bạn thấy tôi với vẻ bề ngoài kém tươi, thì có thể vì tôi đang mệt mỏi và không buồn chải chuốt, cũng có thể do tôi không thích chải chuốt khi gặp bạn, hoặc có thể vì đơn giản là tôi chẳng xinh đẹp, tươi tắn gì cả, nên cố gắng hay không cũng vậy thôi >__<



Saturday, February 23, 2013

Trong gió có đám mây mưa - Trác Y Đình



风 中 有 朵 雨 做 的 云
feng zhong you duo yu zuo de yun

一 朵 雨 做 的 云
yi duo yu zuo de yun

云 的 心 里 全 都 是 雨
yun de xin li quan dou shi yu

滴 滴 全 都 是 你
di di quan dou shi ni

风 中 有 朵 雨 做 的 云
feng zhong you duo yu zuo de yun

一 朵 雨 做 的 云
yi duo yu zuo de yun

云 在 风 里 伤 透 了 心
yun zai feng li shang tou le xin

不 知 又 将 吹 向 那 儿 去
bu zhi you jiang chui xiang na er qu

吹 啊 吹 吹 落 花 满 地
chui a chui chui luo hua man di

找 不 到 一 丝 丝 伶 惜
zhao bu dao yi si si ling xi

飘 啊 飘 飘 过 千 万 里
piao a piao piao guo qian wan li

苦 苦 守 候 你 的 归 期
ku ku shou hou ni de gui qi

每 当 天 空 又 下 起 了 雨
mei dang tian kong you xia qi le yu

风 中 有 朵 雨 做 的 云
feng zhong you duo yu zuo de yun

每 当 心 中 又 想 起 了 你
mei dang xin zhong you xiang qi le ni

风 中 有 朵 雨 做 的 云
feng zhong you duo yu zuo de yun 



"Có một đám mây mưa trong gió
Trong đám mây mưa có mưa
Như trong tim em có anh

Có một đám mây mưa trong gió
Trong gió có một đám mây đau khổ
Không biết gió sẽ thổi mây về đâu

Thổi đi, thổi cho lá rơi đầy mặt đất
Chẳng còn lại chút tàn dư
Bay di khắp nơi mỏi mòn chờ đợi anh

Mỗi khi trời đổ mưa, là trong gió có đám mây mưa
Mỗi khi em nhớ đến anh, là trong gió có đám mây mưa... "

Wednesday, February 6, 2013

Nước chảy mây trôi - Nguyễn Ngọc Tư


Hôm trước ngày đi Đất Mới khai giảng niên học mới, Diệp chở mẹ đi nhổ răng. Trên đường về, bỗng dưng Diệp nghe nước mắt mẹ rớt trên lưng mình. Mẹ than buồn, vì miệng còn ngậm bông gòn nên giọng mẹ bệu bạo (hay tại khóc?), mẹ nói, không biết thầy Nhiên có chê mẹ già không. Diệp biết mẹ nói không thật, mẹ khóc vì mai này mẹ đã xa Diệp mất rồi, chứ hai mẹ con Diệp hiểu thấu tới đáy lòng, thầy Nhiên không phải là người coi trọng mấy chuyện lặt vặt đó.

Mẹ Diệp lớn hơn thầy Nhiên đến tám tuổi, hồi họ quen nhau, thầy Nhiên mới ba mươi ba. Nhà may của mẹ cách trường cấp ba Hưng Hải chừng mươi thước, nổi tiếng khắp thị xã về may áo dài. Gặp lần đầu ở buổi họp phụ huynh, thấy thầy vai áo rách, về nhà mẹ Diệp mua vải may tặng thầy một chiếc sơ mi mới, để lấy lòng thầy cho con nó nhờ. Sau này, thầy hay lại nhà nhờ mẹ Diệp may áo. Có lần mẹ hỏi vợ thầy đâu mà để áo rách vầy, thầy cười, còn gởi ở nhà người. Diệp đi học về, mẹ hỏi, thầy Nhiên ba mươi mấy tuổi đầu chưa lấy vợ, chắc thầy Nhiên khó tính lắm hả con. Diệp lắc đầu, không, thầy thấy thương lắm.

Diệp nói thật lòng. Từ ngày thầy chủ nhiệm lớp, buổi sinh hoạt nào lớp cũng vui tươi, tràn ngập tiếng hát, tiếng cười, có đứa còn đi học đàn về gãy tửng từng tưng. Thầy dạy môn Văn và biến những tiết học khó khăn này thành một thiên đường của cảm xúc. Giọng thầy ấm áp, sôi nổi, truyền cảm, mắt hay nheo, coi bộ hóm hỉnh, vui tính. Thầy bảo, mắt thầy bị tật hồi còn ở lính, không nheo thì bắn không... trúng, nheo riết thành quen. Bọn Diệp cười, tướng thầy mà bộ đội gì, thầy cũng cười, giỡn hoài, đơn vị còn không định cho ra quân nhưng thầy nhất quyết xin ra, đi dạy học. Đám học trò khen thầy dạy văn giỏi nhất trường. Nhà trường thì không nghĩ vậy, dạy cháy giáo án hoài mà giỏi gì.

Sau này, khi xem bộ phim võ hiệp "Tiếu ngạo giang hồ", Diệp phát hiện ra thầy Nhiên giống hệt Lệnh Hồ Xung, cuộc đời anh chàng không thể hoạch định trước, làm gì cũng theo cảm xúc, cả chiêu thức võ công anh ta dùng cũng "nước chảy mây trôi theo ý mình". Dù vậy, Diệp cũng thảng thốt, bất ngờ rất nhiều khi hay thầy với mẹ thương nhau. Mối tình đó không thể giải thích được vì sao, không thể nói rành rọt bằng lời những cảm xúc dịu dàng mà bỏng cháy trong lòng mỗi người. Bắt đầu từ đâu? Từ miếng băng keo thầy mang đến khi thấy tay mẹ đứt, từ việc mời nhau mấy củ khoai mì nóng thầy mua của chiếc xe đẩy trên đường, hay từ những bữa họp phụ huynh, thầy nhìn thấy mẹ Diệp ngồi trong một góc nào đó, đẹp đẽ, sang trọng mà buồn buồn, vơ vất, như lạc ở một vì sao nào...? Mẹ chỉ biết nói lời xin lỗi Diệp. Nó khó khăn lắm mới bảo, không sao, nếu con là mẹ, con cũng yêu thầy, thầy dễ thương quá trời đất mà.

Ba Diệp thì không thể tha thứ. Chẳng thèm chửi bới, đánh đấm nhau, là người trí thức, ông bác sỹ xử sự rất mềm mỏng. Ông đến trường, níu bất cứ đứa học trò nào ông nhìn thấy, phẩn trí van vỉ (như một người yêu vợ hết lòng), "Cháu làm ơn nói với thầy Nhiên trả vợ lại cho chú, làm ơn, cháu ơi !". Chuyện này gây tiếng vang đến phòng giáo dục, rồi đến Sở. Thầy Vẹn, hiệu trưởng trường vốn là đồng đội cũ với thầy Nhiên, thương bạn lắm nhưng đành buộc thôi việc.

Rồi thì mẹ Diệp cũng ra đi. Qua cửa, mẹ chỉ có một chiếc va li nhẹ bổng, trống không. Lẽ ra mẹ có thể mang đi nhiều hơn, nhưng chỉ với hai bàn tay trắng, mẹ mới rửa oan cho thầy trước lời mai mỉa của người đời, rằng thầy chỉ yêu túi tiền của mẹ thôi. Diệp thầm thắc mắc, yêu là phải hy sinh nhiều thứ vậy sao người lớn đâm đầu đi yêu hòai, làm chi cho khổ hôn?

Tổ ấm đó cách nhà Diệp một cây cầu, nhiều con đường ngoắt ngoéo. Diệp có đến chơi, đến mà nghe quen thuộc, ấm áp như nhà mình. Hồi trước, Diệp tới nhà thầy chơi hoài chớ gì, nó thuộc lòng từng cuốn sách trên giá, rành rẽ từng chổ thủng của cái màn cửa. Nhà thầy bừa bộn, đầy màu sắc. Màu của giấy dán tường, của những đường viền tự tay thầy cắt, của những tờ lịch đầy núi, thác nước và mây. Tất cả những cái đó đầy sự sống. Nó khác với nhà Diệp, bốn bức tường đều trắng, Diệp đem hình diễn viên, ca sỹ về dán trong phòng, ba khó chịu. Ở nhà, mọi người phải xem bộ phim, nghe những lọai nhạc bác học mà ba thích. Bữa cơm nào ba cũng tự tay rửa rau, dù mẹ rửa rồi, ông cũng phải rửa lại (Diệp ngờ rằng, tình yêu của mẹ đã mất mát từ chuyện ấy, đến rửa rau mà cũng không tin nhau). Ba không ăn ở quán ăn vỉa hè, cự tuyệt những món chuối nướng, khoai nướng bên đường, ba nói ăn vậy là không vệ sinh. Ba bảo mẹ một tuần nấu canh bí đỏ sáu lần, thực đơn này giúp cho Diệp thông minh, học giỏi, giúp Diệp trở thành một bác sỹ danh tiếng như ông.

Nhưng Diệp chỉ thích làm cô giáo. Một cô giáo sẽ không vì đám học trò ngỗ ngịch mà nguôi đi lòng thương yêu, không vì danh hiệu thi đua này nọ mà nguôi đi tâm huyết của mình. Giống như thầy Nhiên vậy.

Một bữa, lại nhà mẹ chơi, Diệp chỉ tay vào góc lâu nay thầy vẫn để sách và đàn, nó nói, "Thầy ơi ! Em chỉ cần chỗ này là đủ, ban đêm em ngủ, ban ngày em sẽ ngồi học ở đây". Thầy Nhiên với mẹ nhìn Diệp mừng rưng rưng nước mắt. Nhưng cũng phải đợi đến bữa ba dẫn bạn gái về, Diệp mới ra đi. Ba không ngăn lại, chỉ cười khan, lạnh, đầy cay đắng, hằn học. Diệp thấy mình hơi giống mấy tên phản bội trong phim.

Bây giờ chuyện cũ cũng đã nguôi rồi, người ta thôi không trầm trồ nữa. Mẹ gầy dựng lại một tiệm may mới, với những khách hàng cũ. Thầy Nhiên quyến luyến đám học trò nên thuê quầy bán sách báo ở trước cổng trường. Ba Diệp đã lấy vợ, có con. Tốt nghiệp Đại học xong, Diệp có ghé nhà, thấy ba ngồi giặt tã cho em. Lúc ra về, tổng kết lại thì ba chỉ hỏi Diệp đúng một câu, “Ra trường rồi tính làm ở đâu ?” Diệp nói không biết nữa, nếu chờ được phân công, có thể nó sẽ về dạy ở một huyện, thị trấn nào đó, có thể ở đó nghèo và buồn.

Mẹ nói sẽ tìm cách xin cho Diệp ở lại thị xã, thầy Nhiên có nhiều người quen làm trong ngành giáo dục, thí dụ như thầy Vẹn đang làm Phó Giám đốc Sở. Diệp chần chừ không biết lắc hay gật đầu, mẹ thở dài, nửa đêm than với thầy Nhiên, "Chắc mình mau già lắm, Nhiên ơi. Con gái mình thấy rầu quá".

Rầu chớ, công việc đang lừng khừng, chuyện yêu đương Diệp cũng chẳng tới đâu. Đứa con trai cuối cùng đã thôi lui tới nhà chừng nửa tháng nay, sân trước chưa thấy xe của người mới nào đậu. Mẹ nhắc lại nào Tuấn nào Huy, rồi Phát, Sang, mấy đứa đó thấy thương quá mà sao kỳ vậy không biết. Diệp cười, "Trời đất, tụi nó hả, con đâu có yêu". Mẹ tức quá vặt lại, "Vậy chớ con yêu ai?". Mẹ hỏi Diệp trong một đêm gió rất nhiều. Diệp tự vấn mình câu đó, khi có được câu trả lời, chợt nghe gió thổi tơi bời vào lòng, nghe như gió cấp mười, mười hai trong ấy.

Hôm sau, Diệp gọi thầy Nhiên bằng ba (nó bẻ miệng đến toát mồ hôi ra). Mẹ với thầy nghe lạ, phì cười. Diệp tá hoả, tiếng gọi ấy với nó không có ý nghĩa gì hết, kêu tiếng ba thiêng liêng mà lòng vẫn yêu thầy, yêu thầm lặng tự hồi nào không biết. Hèn chi đi xa nhớ quá chừng (tưởng chỉ nhớ nhà thôi), hèn chi mấy thằng bạn trai hay bị đem ra so sánh với thầy (tưởng vì quý trọng quá đó thôi)… Bây giờ không biết làm sao quên được đây, để vầy nguy hiểm quá, người ta nói yêu với say rượu khó che mắt được người đời.

Diệp ngầm chuẩn bị cho mình một chuyến đi xa. Mẹ không biết, nên mẹ đi chợ, mua hai ký lô khô cá sặc rằn, dịu dàng bảo thầy Nhiên" Nhiên chở con tới nhà anh Vẹn chơi, sẵn tiện, nhờ ảnh giúp cho nó một chỗ làm, có chút quà này…". Rồi mẹ Diệp tiễn hai người họ ra tới ngoài sân, lên xe, chạy một đoạn, ngó lại, thấy mẹ vẫn còn đứng tần ngần, giống như sợ thầy trò Nhiên đi lộn đường hay sẽ lén quay trở lại nhà.

Nó ngồi sau lưng thầy (như nhiều lần ngồi sau thầy đi mua keo, nút áo, chỉ may cho mẹ), mà lòng nghe dịu ngọt lạ thường, chợt nghe thèm đến rớt nước mắt được nép mặt vào lưng, được choàng tay ôm eo thầy. Chiếc xe chạy lòng vòng qua hết mấy con đường, cứ gặp đèn đỏ là thầy lại quẹo phải, Diệp khúc khích cười, nghĩ, nhà thầy Vẹn đâu có xa dữ vậy. Chiếc xe máy hiểu ý chủ nên nó cũng cà xịch cà lụi, lâu lâu lại phun ra một bụm khói đen xì. Thầy bảo, "Chết cha, chắc là nước vô bình xăng". Mà, chiếc xe vẫn không chịu chết máy hẳn, vậy mới kỳ. May nhờ đến trước cổng nhà thầy Vẹn thì trời đổ mưa, cả thầy Nhiên và Diệp đều mừng húm, kêu lên, "Mưa ! Mưa rồi !" rồi chạy vào quán cà phê ngang đó cho khỏi ướt.

Diệp vừa phủi nước trên áo, trên tóc mình vừa cười, nhớ lại thì trên đời này chắc không ai mắc mưa mà phấn khởi như vậy. Thầy trò Diệp kêu hai ly trà đá, bắc ghế ngồi ngó mưa rơi, ngó qua cái tường rào im sẫm đằng trước nhà thầy Vẹn, nghe trong lòng ngại ngần quá trời đất.

Chỗ này chỉ cách bên đó một con đường, coi vậy mà qua đó cũng nghiêm trọng như Kinh Kha qua sông Dịch. Thật ra, nghỉ dạy ở trường cấp Ba Hưng Hải rồi, thầy vẫn thường lại chơi nhà thầy Vẹn. Người đang có chức vị, ngồi cao hay ước sống như ông bán lẻ sách báo ở cổng trường (mà càng bán càng lỗ vốn, cứ thấy cuốn sách nào hay là dúi tặng cho học sinh). Thầy Vẹn bảo, " Đâu phải ai cũng làm được chuyện động trời như ông vậy. Nhớ kỷ coi, đang học ngọn lành, ông tình nguyện đi biên giới, ở lính được cưng chiều ông không chịu, đòi ra lính dạy học, đang dạy học, lại đòi yêu mà lại đi yêu ngang trái mới chết". Thầy Nhiên cười, "Cũng trả giá dữ lắm, đừng tưởng giỡn". Vợ thầy Vẹn cũng quý bạn chồng, chị nói "Ông xã em mê anh lắm, ảnh nói bây giờ có một chút chức quyền mới biết cực khi chơi với bạn, cứ phải cảnh giác nhìn nhau không biết người ta sắp nhờ cậy gì mình, chỉ có anh Nhiên là không tính toán gì hết". Vì đã nói vậy nên bây giờ mới khó mở lời…

Diệp biết thầy Nhiên đang nghĩ lung lắm, nhưng nó không nói gì, nó chỉ lẳng lặng ngồi nhìn mớ tóc to cộ cứng như rễ tre đã chớm bạc trên đầu thầy. Hồi trước, mỗi khi thấy tóc thầy dài, Diệp vẫn hay nhắc, biểu đi cắt, để tóc vậy coi già thấy mồ. Hồi đó, thầy cười cười, "đâu nè, vầy là vừa chớ". Sau rồi Diệp biết, thầy cố tỏ ra luộm thuộm để đuổi cho kịp mẹ, để mẹ khỏi buồn, khỏi mặc cảm chuyện vợ già chồng trẻ. Thầy tinh tế cả chuyện ăn mặc, chuyện xưng hô. Ở nhà Diệp, ai tới cũng bảo ngộ, nhất là mấy anh chàng đang đeo đuổi Diệp, họ bảo, "Nhà Diệp không có tôn ty trật tự gì hết, thấy lộn tùng phèo". Thí dụ như chuyện xưng hô, rõ ràng nghe thầy Nhiên với mẹ kêu nhau Nhiên Nhiên Thuý Thuý giống bạn bè hơn là chồng vợ, còn Diệp gọi thầy thì tuỳ hứng, có lúc kêu cậu, có lúc gọi "đại sư ca".

Nhớ tới đâu lòng Diệp đau tới đó, nhà giống như thiên đường vậy, mà mình lại phải đi xa. Ngoài trời vẫn còn mưa, nước chảy ròng ròng vào miệng cống. Thầy bảo mưa dai quá hen. Diệp cười, dạ, mưa dai thiệt. Thầy hỏi, hay là hai cậu cháu mình chạy qua gặp thầy Vẹn một chút. Diệp lắc đầu, thôi, cậu.

Diệp không đành lòng cùng thầy cầm gói cá khô bước qua cửa nhà thầy Vẹn. Muốn hay không, khi quay trở lại, thầy trong lòng Diệp sẽ không tròn vẹn như bây giờ. Mất mát đó có thể rất mỏng manh, nhẹ như hơi thở, có thể chỉ là cảm giác vậy thôi. Thầy trông sẽ hèn hèn đi một chút, ngượng ngập một chút, vẩn đục một chút. Diệp muốn giữ vẹn trong lòng mình một hình ảnh đẹp, một người đàn ông lúc nào cũng nồng ấm, đĩnh đạc, thư thái, đầy khí phách và thành thật với con tim. Lỡ mai mốt đây gặp hoàn cảnh khó khăn nào, Diệp còn có thầy Nhiên mà vịn vào, đứng lên, đi tiếp. Nếu phải đi xa để những điều tốt đẹp còn nguyên lành mãi thì cũng đáng lắm chớ.

Lúc về trời vẫn còn mưa, Diệp có dịp dấu mặt vào lưng thầy, khóc chơi. Trời ơi, nép sau một cái lưng rộng và ấm áp như vầy để khóc đã thiệt. Mẹ hạnh phúc biết bao nhiêu.

Lúc về Diệp ôm vai mẹ, Diệp bảo mớ khô cá sặc rằn này hôm nào làm liên hoan tiễn con đi, mẹ nướng rồi xé trộn xoài sống, con thích món này lắm. Chỗ con tới có thể buồn và nghèo, có thể cách trở xa xôi, có thể đám học trò của con lấm lem sình đất, nhưng con không ngại, để con hát cho mẹ nghe bài này, rằng "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng. Gian khổ sẽ giành phần ai ?". Mẹ nghe xong, rớt nước mắt, day qua thầy Nhiên, không rõ khen hay than mà giọng buồn hết biết: "Nhiên coi, không phải máu mủ của Nhiên mà con mình nó giống y chang Nhiên vậy. Muốn là làm".

Đâu nè, đâu phải muốn là làm, cũng phải suy nghĩ đắn đo dữ lắm. Coi lại, làm gì có chuyện con người được sống hồn nhiên như nước chảy mây trôi ? Phải chọn lựa và trả giá chứ…

Monday, January 28, 2013

Tôi chọn online




Tôi biết tin sau khi người bạn mình rời bỏ cuộc sống khoảng 2 tuần.


Chiều qua khi mở yahoo, chợt nhìn thấy tên của bạn vẫn nằm đó, trong friend list của mình. Nhớ mỗi lần lướt qua list ấy, vẫn miên man mong tên ấy sáng lên và trò chuyện, vài câu ngắn thôi, đủ để biết hiện giờ bạn ra sao, và đủ để bạn biết mình vẫn ổn. Thông thường, tôi vẫn để ẩn, chỉ khi muốn nói chuyện với bạn, tôi mới gọi. Tính ra, cũng có những lần tôi thấy tên bạn sáng đấy, sẵn sàng trò chuyện, nhưng vì biếng nhác, hay vì đang không vui, tôi chẳng thèm nói năng gì, chỉ im im nhìn tên ấy sáng lên rồi lát sau lại buồn bã tắt xuống. Tôi cũng hiểu, bạn có phần muốn trò chuyện nên mới lên mạng.



Đến giờ khi thấy tên bạn, tôi vẫn không biết phải làm thế nào, không muốn xóa đi, tôi để tên mình sáng lên, không biết mình đang mong chờ gì, không biết mình đang nuôi tiếc nuối hay tuyệt vọng... chỉ biết rằng mình đang cố gắng tránh né, không nhìn vào sự thật.



Tuy không liên lạc, tôi vẫn hay nghĩ về bạn, về kỉ niệm chúng ta sẻ chia, và mong những tháng ngày về sau, sẽ có dịp cùng trải qua như vậy. Nhưng giờ tôi đã biết, kỉ niệm ấy giữa bạn và tôi, là duy nhất, cho đến cuối cùng, tôi không bao giờ được lặp lại. Tôi giữ nguyên vẹn hình ảnh đáng yêu, hiền lành và chăm chỉ của bạn trong kí ức, nó luôn đẹp đẽ như vậy, cho đến mãi mãi về sau.



Tôi nhớ bạn, tôi giữ trong lòng. Cũng như cái cách mình để online đối với tên của bạn trong list, tôi không biết phải làm gì với nỗi nhớ của mình...